Long An đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư dự án logistics

long an day manh du an logistics 4

Long An đang đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư dự án logistics để hướng tới trở thành vùng kinh tế “trọng điểm” đứng đầu phía Nam và vùng ĐBSCL. Liệu các nỗ lực này đem lại lợi ích như thế nào cho địa phương và ngành logistics nói chung? Hãy cùng tìm hiểu những chi tiết cụ thể về sự phát triển & tiềm năng đang được khai thác để thu hút các nhà đầu tư tại đây.

Long An: Công nghiệp và logistics đầy hứa hẹn

Tỉnh Long An nằm sát TP. Hồ Chí Minh, là một trong những cầu nối quan trọng giữa vùng kinh tế phía Nam và ĐBSCL. Tỉnh hiện có 37 KCN, đứng thứ 5 toàn quốc về quy mô, thứ 13 về thu hút vốn FDI và thứ 3 về thu hút vốn trong nước. Ngoài ra, tỉnh còn có khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế.

Các KCN của Long An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực kho bãi, logistics – ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất và góp phần đẩy mạnh KT – XH của tỉnh này.

Long An có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển khắp tỉnh, thuận tiện cho việc giao thương, đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động thương mại, giao thương, dịch vụ logistics,… vẫn còn ở mức độ sơ khai, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Long An đẩy mạnh dự án logistics-1

So với sự phát triển công nghiệp lâu đời ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, công nghiệp của tỉnh Long An chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh trong những năm gần đây và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp cũng vậy, trong đó logistics là một trong những lĩnh vực gắn liền, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp.

Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đa phần sử dụng dịch vụ logistics ở các nơi khác như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… hàng hóa xuất khẩu đa phần qua các cảng ở Hiệp Phước, Cát Lái,… Trong khi đó, khá ít doanh nghiệp biết và sử dụng dịch vụ ở Cảng Quốc tế Long An mặc dù cảng có nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí và dịch vụ.

Phát triển giao thông và logistics hỗ trợ công nghiệp

Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các tuyến đường kết nối để phục vụ sự lưu thông hàng hóa ngày càng tăng. Các tuyến huyết mạch kết nối đã hoàn thành và đang tiếp tục nâng cấp như tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, ĐT 830, Quốc lộ N2, Vành đai 4 và các tuyến kết nối liên tỉnh giữa Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các KCN cũng góp phần tăng cường sự phát triển của các tuyến giao thông; mạng lưới giao thông nội bộ KCN không chỉ giúp kết nối các tuyến đường giao thông công cộng mà còn kết nối giữa KCN với KCN liền kề, kết nối liên vùng với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh (đối với một số KCN nằm giáp ranh).

Hiện các KCN trên địa bàn có khoảng 60 dự án đầu tư liên quan đến hoạt động logistics nhằm khai thác, phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong và ngoài KCN. Thời gian gần đây, các KCN trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, lưu giữ hàng hóa như Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW đã thuê lại quyền sử dụng đất 22,6ha tại KCN Vĩnh Lộc 2 và 20,4ha tại KCN Xuyên Á để xây dựng nhà kho cho thuê.

Công ty sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 213.000m2 nhà kho xây sẵn hai tầng có ram dốc tại KCN Vĩnh Lộc 2 và trong quý IV/2023 sẽ cung cấp ra thị trường 220.000m2 nhà kho xây sẵn hai tầng có ram dốc tại KCN Xuyên Á. Công ty TNHH JD Property Việt Nam cũng đã động thổ dự án JD Property Logistics Park tọa lạc tại KCN Tân Đức với tổng diện tích đất 101.130m2. Diện tích cho thuê linh hoạt từ 6-5ha, dễ dàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách thuê thuộc nhiều ngành nghề,…

Ngoài các dịch vụ về kho bãi, tỉnh Long An còn có thế mạnh khác về nhà xưởng xây sẵn như hệ thống nhà xưởng xây sẵn của Công ty CP Kizuna, Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam,… hệ thống nhà xưởng xây sẵn cao tầng tại KCN Long Hậu, KCN Thuận Đạo, Phúc Long,…

Ban Quản lý Khu kinh tế Long An và các cơ quan nhà nước tỉnh Long An đã phối hợp với các doanh nghiệp trong các KCN triển khai chương trình kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm. Các hoạt động như Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu”, hội chợ công nghiệp hỗ trợ và xúc tiến thương mại đã góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa.

Long An đẩy mạnh dự án logistics-2

Phát huy tiềm năng cửa khẩu và cảng quốc tế

Long An có hai cửa khẩu với nhiều tiềm năng phát triển, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp; Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây. Tại khu vực Cửa khẩu Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường có Khu kinh tế cửa khẩu Long An, từng bước khai thác hiệu quả các thế mạnh, tiềm năng về lao động, vị trí kết nối với Campuchia và các tỉnh lân cận vùng Đồng Tháp Mười.

Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế cửa khẩu Long An đã thu hút được 2 dự án có vốn FDI, tổng vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2ha và 02 dự án trong nước thuê 0,66ha đất. Tỉnh cũng tiếp tục kiến nghị với Trung ương quan tâm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62 với quy mô lớn hơn nữa để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng do hoạt động liên vận; và đây là tuyến đường duy nhất kết nối Khu kinh tế với khu vực.

Bên cạnh đó, Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây tại huyện Đức Huệ có nhiều thuận lợi khi giáp với 2 địa phương trọng điểm về kinh tế công nghiệp là huyện Đức Hòa và thị trấn Bến Lức. Khu vực cửa khẩu cũng đã được tỉnh quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống giao thông, gồm trục đường ĐT 822B nối Đức Huệ với Đức Hòa đi TP.Hồ Chí Minh; đường vành đai 4,… cũng như trục giao thông kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với cảng Quốc tế Long An.

Cảng Quốc tế Long An là cảng biển lớn ở phía Đông tỉnh Long An, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn lên đến 70.000 tấn. Cảng đang được mở rộng và nâng cấp thành 8 bến cầu cảng và 1 cầu cảng chuyên dụng để phục vụ khai thác hàng lỏng và hàng rời cùng với 3 bến phao neo đậu tàu. Cảng dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị cẩu nhập khẩu từ Nhật Bản vào năm 2023.

Cảng Quốc tế Long An đề xuất xây dựng “Tàu buýt container” với mục tiêu biến khu vực thành trung tâm logistics quan trọng. Tàu sẽ có bến đỗ là cảng Quốc tế Long An và các xà lan cùng các chuyến tàu liên kết mật thiết với các cảng khác trong khu vực để vận chuyển hàng hóa trong các container.

Long An đẩy mạnh dự án logistics-3

Ngoài ra, hệ thống cảng đã đưa ra một giải pháp logistics mới bằng cách tập trung hàng hóa vào bến cuối. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể giảm chi phí so với việc sử dụng đường bộ và có thể vận chuyển các mặt hàng siêu trường, siêu trọng hoặc quá khổ mà đường bộ khó đáp ứng. Đây là một giải pháp hiệu quả và tiện lợi cho việc di chuyển hàng hóa trong khu vực, góp phần nâng cao năng suất sản xuất của doanh nghiệp.

Tóm lại, tỉnh Long An đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án logistics đến địa phương. Đây là lĩnh vực quan trọng hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, giao thương và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *